7 thói quen của lãnh đạo xuất chúng
Bất kể là nam giới hay phụ nữ, người lãnh đạo cần phải truyền được cảm hứng cho nhân viên không ngừng nỗ lực vượt qua giới hạn của bản thân để hoàn thiện công việc một cách tốt nhất. (Dân trí)
Theo Peter Economy, chuyên gia nghiên cứu về khoa học quản trị, công việc lãnh đạo không chỉ cần nghệ thuật khéo léo trong xử lý các mối quan hệ mà còn mang tính khoa học. Luyện tập được 7 thói quen của những nhà lãnh đạo xuất chúng dưới đây, bạn sẽ gia tăng được sức mạnh lãnh đạo của mình.
1. Không ngừng thúc đẩy bản thân
Một phần yêu cầu đối với những nhà lãnh đạo xuất chúng chính là không ngừng nỗ lực từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc.
Bạn cần nắm được từ cách thức làm việc hòa hợp với những đối tác, nhân viên liên quan, đến cách thức xây dựng chiến lược phát triển phù hợp cho tổ chức từng giai đoạn, và nhất là làm thế nào để dẫn dắt tập để đi theo tầm nhìn đó.
Không ngừng học hỏi và luyện tập, bạn sẽ tạo ra được hình mẫu lãnh đạo tốt nhất phù hợp với vị trí.
2. Vững chãi trước áp lực
Khi công việc gặp khó khăn, hãy trở thành điểm tựa trấn an và tạo cảm hứng để các thành viên trong công ty tiếp tục công việc. Là một người lãnh đạo giỏi có nghĩa là ngưng hứa hẹn về những điều sẽ làm, xắn tay áo lên và làm thực sự, nhất là trong tình huống một sự phản hồi bằng hành động là cần thiết để đưa mọi xáo trộn trở về lại với trật tự cũ.
Bạn cần học cách chấp nhận mọi tình huống có thể xảy ra, hành động quyết đoán và tìm cách để trấn an nhân viên của bạn. Hãy giúp họ vượt qua những nỗi sợ hãi, lo lắng trước những thách thức lẫn biến động.
Hãy bình tĩnh dẫn dắt tổ chức của bạn vượt qua những cột mốc khủng hoảng bằng tầm nhìn, sự tự tin lẫn trái tim của bạn.
3. Chính trực
Phần đông các nhân viên đều mong muốn người lãnh đạo của mình sẽ chân thành, công tâm, đứng đắn và thẳng thắn. Người lãnh đạo sẽ tạo đủ điều kiện để mọi nhân viên đều có cơ hội thăng tiến và phát triển năng lực bản thân, miễn họ nỗ lực cống hiến cho công ty những giá trị xứng đáng tương ứng.
Khi bạn cư xử bằng sự chính trực, bạn sẽ nhận lại được sự trung thành của nhân viên đối với cá nhân và công ty của bạn.
4. Truyền cảm hứng làm việc nhóm
Để truyền cảm hứng trong công việc cho nhân viên, bạn không nên chỉ dừng lại ở những bài diễn thuyết xây dựng niềm tin vào mục tiêu chung mà cần tạo ra môi trường làm việc hài hòa.
Thực tế cho thấy, hầu hết mọi người chỉ làm tốt nhất công việc của mình khi họ nhận được sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, người quản lý. Sự hỗ trợ này bao gồm cả vật chất để thực hiện công việc lẫn các ý kiến phản biện, sự động viên, ghi nhận và chia sẻ khó khăn từ những cộng sự gần gũi với họ.
Làm được điều này, bạn sẽ gia tăng được tính tự chủ lẫn sự gắn kết của nhân viên với công việc.
5. Giữ vững niềm tin vào bản thân và cộng sự
Bất kể những khó khăn đang chờ phía trước, người lãnh đạo cần giữ vững niềm tin vào tầm nhìn đối với tổ chức. Và khi con thuyền bạn đang lèo lái gặp sóng to gió lớn, đừng để những lời nói đối lập hủy diệt đi niềm tin và quyết định hành động của bạn.
Hãy nhìn nhận những thất bại như những trải nghiệm cung cấp thêm thông tin để bạn tìm ra con đường tốt hơn để đạt được mục tiêu chung. Những nhà lãnh đạo bản lĩnh thường dùng chính những kinh nghiệm có được từ thất bại để cải tiến hiệu suất trong công việc, thay vì đau khổ và từ bỏ.
6. Thường xuyên giao tiếp
Giao điểm chung của những người lãnh đạo xuất chúng là thói quen giao tiếp thường xuyên, thẳng thắn với các cộng sự trong cùng tổ chức. Họ luôn mở rộng các kênh để giao tiếp với nhân viên, cộng sự để thông báo về quyết định mới, phản hồi trong quá trình làm việc và cả gia tăng sự gắn kết với các nhân viên thông qua những lần trò chuyện truyền cảm hứng...
Và khi bạn nghe thấy các nhân viên chia sẻ với nhau về những điều bạn đã thông báo, động viên nhau bằng những ý tưởng truyền cảm hứng của bạn thì đó chính là dấu hiệu cho thấy bạn đã tạo được dấu ấn tích cực cho tổ chức.
7. Nhìn vào tổng thể
Trong một tổ chức, nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm đối phó với các cuộc khủng hoảng, các vấn đề phát sinh trong quá trình kinh doanh. Song, điều quan trọng chính là các người lãnh đạo phải luôn luôn giữ được thế cân bằng trong khi theo dõi bức tranh hoạt động tổng thể.
Một mặt, bạn cần theo dõi để xử lý những vấn đề phát sinh, mặt khác bạn cần quan sát để phát hiện kịp thời các cơ hội để mở rộng công việc kinh doanh.
Nếu bạn quá tập trung vào một khía cạnh nào đó trong bức tranh tổng thể, khả năng cao là bạn sẽ đưa ra những quyết định sai lầm, có thể gây hại cho sự phát triển của tổ chức.
Theo Lâm Nghi/Báo Doanh Nhân Sài Gòn
Tạo dựng văn hóa phòng tránh rủi ro
Cần phải nuôi dưỡng văn hóa phòng tránh rủi ro cho doanh nghiệp và trách nhiệm giải trình ở mọi cấp độ trong doanh nghiệp.
Từ những cuộc khủng hoảng về tính an toàn của sản phẩm đang diễn ra như vụ thu hồi sản phẩm đậu phộng, vụ melamin trong sữa và thực phẩm vật nuôi, vi khuẩn ecoli trong rau bina, và chất chì trong đồ chơi trẻ em, chúng ta thấy có một thách thức bao trùm mà các doanh nghiệp đều đang phải đối mặt: Cần phải nuôi dưỡng văn hóa phòng tránh rủi ro cho doanh nghiệp và trách nhiệm giải trình ở mọi cấp độ trong doanh nghiệp.
Tránh những cuộc khủng hoảng kiểu này rõ ràng luôn là thượng sách, thay vì phải chịu tổn thất và hậu quả khôn lường khi phải đối mặt với chúng. Sự vỡ lở của những sản phẩm khiếm khuyết luôn là một thách thức trên nhiều phương diện: các vụ kiện cáo ở mọi cấp độ, các cuộc điều tra của chính phủ, các cuộc thẩm vấn tìm hiểu thông tin, khảo sát kỹ lưỡng từ phía phương tiện thông tin đại chúng, mối quan tâm từ cộng đồng đầu tư và tiềm năng của các vụ đòi bồi thường và truy tố trước pháp luật. Như chúng ta đã biết, những vụ dính líu tới tài chính có thể gây sửng sốt dư luận - trách nhiệm với hàng tỉ đô la chưa từng có, không kể tới hàng triệu đô la chi phí luật pháp. Hơn thế nữa, danh tiếng và vị thế cạnh tranh của công ty cũng đứng bên bờ vực thẳm.
Phát triển một chiến lược
Đứng trước những nguy cơ này, nhiều doanh nghiệp vẫn không có cách tiếp cận phù hợp hay có kỷ luật với quản lý rủi ro và trách nhiệm giải trình về tính an toàn của sản phẩm. Đó là một sai lầm.
Điểm cốt yếu đối với các doanh nghiệp đó là phải xem xét cách thức giảm thiểu rủi ro bằng những biện pháp như một ứng dụng có tính hệ thống của "các bài học đã được học”, hay đảm trách thực hiện rà soát quá trình đưa ra những quyết định quan trọng có liên quan tới việc sản xuất một sản phẩm. Một công ty cần phải được chuẩn bị để bảo vệ từng khía cạnh của quá trình đưa ra quyết định và quá trình hoạt động. Là một tổ chức lớn, phân quyền hay có tính chất toàn cầu, hay phụ thuộc vào các đối tác kinh doanh, các nhà cung cấp nước ngoài hay nguồn lực mở, không phải là lý do giải thích cho cho những lỗ hổng kiến thức.
Tạo dựng văn hoá tránh né rủi ro và trách nhiệm giải trình đòi hỏi quá trình giáo dục các nhân viên ở từng cấp bậc. Không phải lúc nào trực giác cũng đúng. Một "kỹ xảo” đó là thực hiện một cuộc tập dượt dành cho các nhân viên, trong một lớp học, về những từ ngữ mà các nhân viên trong các ngành công nghiệp khác đã sử dụng để chống lại công ty của họ trong phòng xử án. Truyền thông nội bộ cũng thực hiện tương tự như vậy.
Suy nghĩ trước khi nói
Tình trạng tương đối phổ biến ở nhiều doanh nghiệp là đôi khi họ rơi vào tình trạng buộc phải giải thích những bài phát biểu dài dòng dường như vô nghĩa hoặc gây bất hoà hoặc sự không rõ ràng, thiếu thận trọng trong các thư điện tử nội bộ, các bản ghi nhớ kỹ thuật và các bản báo cáo marketing. Thậm chí các bản ghi nhớ của các cuộc họp hội đồng cũng có thể trở thành những bản báo cáo có tiềm năng chứa đựng nội dung dính líu tới luật pháp.
Từ ngữ sử dụng trong những bản báo cáo này có thể có rất ít hoặc không có ý nghĩa gì khi xảy ra những vụ khủng hoảng về an toàn sản phẩm, nhưng những từ ngữ được lựa chọn một cách nghèo nàn thái quá có thể làm biến đổi động cơ của một vụ tranh chấp và làm trầm trọng thêm tính chất của vụ khủng hoảng. Trong những trường hợp cụ thể, khuyến khích kiểm tra chéo một nhân viên là giải pháp hợp lý để làm minh chứng cụ thể cho thấy những từ ngữ họ đưa vào bài viết có thể dẫn tới hiểu lầm hoặc hiểu sai như thế nào trong những năm về sau. Đây có thể là một ví dụ thực dành cho tất cả các nhân viên ở mọi cấp độ trên toàn công ty, và đó là sự đầu tư tối thiểu để tăng cường khả năng phòng tránh rủi ro.
Trong một số trường hợp, các công ty đưa sản phẩm của họ vào dùng thử nghiệm. Họ có thể khắc phục sự cố kiểm soát chất lượng, marketing hoặc các vấn đề về khoa học, y tế để xác định liệu quá trình đưa ra quyết định của họ có thể chịu được tính khắc nghiệt và sự rà soát kỹ lưỡng của cuộc kiểm tra chéo hay không.
Cố gắng tạo dựng tính nhất quán trong các thông điệp
Có thể cũng đáng để so sánh tính nhất quán của những tin tức truyền đi trong và ngoài công ty về cùng một chủ đề nào đó. Giả sử tin tức này được thực hiện bởi những cá nhân độc lập, khách quan và có kiến thức, những người đánh giá cao khả năng các nguyên đơn tiềm năng sẽ khai thác bất kỳ bản báo cáo có mâu thuẫn nào.
Đây là một phần của quá trình đánh giá rủi ro có kỷ luật, bởi vì sự thiếu nhất quán giữa những thông điệp truyền đi trong và ngoài công ty có thể là cơ sở cho những tranh chấp, khiếu nại từ phía khách hàng sau này và có thể thậm chí dẫn tới những tổn thất khôn lường hay truy tố trước pháp luật.
Các công cụ quản lý, đánh giá rủi ro sẽ dần thay đổi. Nhưng điểm cốt lõi đó là phải đưa văn hoá phòng tránh rủi ro vào quá trình suy nghĩ của người nhân viên một cách tự chủ. Từ quan điểm của ban quản trị, quan điểm đánh giá và phòng tránh rủi ro liên tục và có hiểu biết là nền tảng căn bản của công ty. Và trách nhiệm giám sát quá trình phòng tránh rủi ro thuộc về ban giám đốc.
Arvin Maskin
Theo Business Week
Mai Hương biên dịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét